Tìm kiếm tin tức
Đôi nét về nghề Rèn truyền thống làng Hiền Lương, xã Phong Hiền
Ngày cập nhật 06/06/2018

Tháng 6/2016 làng nghề rèn Hiền Lương, xã Phong Hiền đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Quyết định công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, đây là một trong sáu làng nghề truyền thống của huyện Phong Điền đã được UBND tỉnh công nhận. Qua đó, đã khẳng định được những giá trị văn hóa truyền thống của những làng nghề nổi tiếng ở vùng đất văn hóa Huế nói chung và huyện Phong Điền nói riêng. Để có một cách nhìn tổng thể về nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, trong bài viết này chúng ta thử tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của làng nghề rèn Hiền Lương, xã Phong Hiền.  

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là nghề truyền thống năm 2016

Làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên  Huế là một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của vùng đất Thuận Hóa. Những năm nhà Mạc chiếm giữ Thuận Hóa, sách Ô Châu cận lục ghi: Hoa Lang (nay là làng Hiền Lương) là một trong 53 làng xã thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, cùng thời với nhiều làng, xã khác ở Châu Hóa. Hoa Lang được thành lập từ năm Ất Sửu (1445).

Trải qua gần 600 năm, những lớp người xưa vượt ngàn dặm xa xôi, núi cao hiểm trở, vào đây khai sơn phá thạch, đào giếng, cày ruộng lập nên làng Hoa Lang. Mỗi thế hệ, mỗi triều đại kế tiếp đều không ngừng mở mang địa giới, xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa lập ra quy ước, hương ước để quản lý làng xã.

Làng Hiền Lương ngày xưa do công khai canh của 12 vị Thỉ Tổ của 12 họ. Sau đời Nguyễn Hoàng hậu tập thêm 4 họ gồm: họ Phan, Lê, Nguyễn và họ Võ. Hiền Lương sau khi khai canh đã kiến lập thôn trang gồm 6 xóm: Phước Tự, Văn Quán, Võ Đình, Đồng Nhân, An Hội, Siêu Quần và 4 phường. Sau đó thêm 2 phường: Công Thành, Khánh Mỹ (Đức Thắm), Hưng Long, Thượng Hòa, Triều Dương, La Vần, tiếp tục phát triển thêm Truông Cầu, Vịnh Nãy. Làng thiết lập 2 phe: phe Đông (phe trên) gồm 3 xóm: Siêu Quần, An Hội, Đồng Nhân; Phe Tây (phe dưới) gồm 3 xóm: Võ Đình, Văn Quán, Phước Tự. Ở làng có một con đường lớn chạy phía trước từ Phú Lễ lên Sơn Tùng, hậu có đường lớn song song với nhau, là đường xóm, mặt tiền dành riêng cho đình, chùa, miếu vũ theo hướng Tây Nam. Làng quy hoạch nghĩa địa gồm có 5 điểm: Truông Cầu, Bàu Sen, Lâm Đam, La Vần. Ngày xưa mỗi khi an táng làng này thường gạch trở và được vua Minh Mạng chầu phê: “Hoa Lang, Cao Ban đồng phần mộ”. Đối với phong tục cưới, hỏi cũng được làng quy định rõ ràng, khắt khe, cưới vợ, gả chồng đại đa số phải cưới nhau ở trong làng. Lý do theo phong tục của làng thì: sợ bị mất những bí quyết của nghề rèn; cha mẹ gả con ra ngoài làng sợ con khổ, sau năm 1945 làng mới bỏ lệ này.

Làng dựng đình thờ thần, xây chùa thờ phật, thiết lập văn chỉ thờ Khổng Phu Tử và đạo học, kiến tạo tổ đường. Đình làng xưa kia tọa lạc tại xóm Võ Đình, chỗ ấy bây giờ còn đàn lộ thiên tục gọi “Đình Hát”. Sau năm 1802, dời đình qua xóm Đồng Nhân, tục gọi “Đình Đất Cộ”, cuối cùng chọn được vị trí thuận lợi này, làng mới xây dựng đình làng tại xóm An Hội, ngoài ngõ dựng 4 trụ biểu tượng cho trung chánh có trời, có đất.

Ở làng Hiền Lương có một ngôi chùa Giác Lương nổi tiếng đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1992. Chùa nằm về phía tây, xóm Phước Tự, tiếp giáp với làng Phú Lễ. Danh hiệu Giác Lương Tự, là ngôi chùa cổ đầu tiên ở Thừa Thiên Huế. Trước đây, ngôi chùa làng tọa lạc tại Cồn Bệ (nằm ở phía tây của làng, hiện còn di tích và miếu thờ bà U, bà di Hoàng Thị Phiếu). Truyền thuyết của làng kể rằng: Trong một đêm, dưới sự chủ trì của Dương Phước Pháp, làng Hiền Lương đã tập trung nhân lực, bí mật di chuyển chùa. Sáng hôm sau, người ta ngạc nhiên thấy chùa Giác Lương Tự đã an tọa vững bền, cây cối xanh tươi, chim hót líu lo, rêu phong phủ màu cổ kính. Vào ngày tiết tháng 10 năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 năm 1819, đúc quả chuông nặng 481kg và tượng đức phật, tượng ngài hộ pháp Long Thiên. Trước chùa xây cổng Tam quan, bốn mặt đều xây la thành, trong khuôn viên chùa có các miếu thờ: miếu cao các Thần Hoàng, Miếu đặc tấn Phụ Quốc Thượng tướng quân Trần Quý Công, Miếu ngài Dương Đại Lang.

Nhà thờ tổ nghề rèn tọa lạc tại phía bắc xóm Phước Tự; xây, lợp bằng ngói, một gian hai chái, kiến trúc theo kiểu từ đường, xung quanh có la thành, diện tích hơn 2.000 m2, chính giữa thờ tổ sư nghề rèn. Ngài Tây Nhạc Kim Thiên Thuận đế Gia Phong Thái Lợi chi thần. Bản sắc phong này ban cho tổ sư nghề rèn làng Hiền Lương nguyên trước đây thần được sắc phong Mỹ Tụ Tây Nhạc Kim Thiên Thuận Đế, đến triều Bảo Đại gia phong Thái Lợi Chi Thần.

Tổ đình trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đã bị tàn phá nặng nề và được xây dựng, trùng tu vào năm Đinh Dậu (1957), khánh thành vào năm Kỷ Hợi (1959), lại tiếp tục bị chiến tranh phá hoại năm (1975), con cháu đã thỉnh ngài về thờ tại đền Văn Chỉ. Hơn 30 năm sau con cháu đã đóng góp xây dựng lại Tổ Đình nghề rèn tại vị trí xưa, hoàn thành vào năm (2007) và khánh thành vào năm (2012). Ngày kỵ Tổ vào ngày 17 đến 18 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Kể từ khi người Việt vào đây khai sơn phá thạch, lập làng xã, cuốc đất Hoa Lang – Hiền Lương đứng chân có một địa thế thuận lợi. Ngoài nghề nông, người Hiền Lương lấy nghề rèn làm phụ trong những lúc nông nhàn, chuyên rèn các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp như: cuốc, rựa, liềm, dao, búa, kiềm, cuốc năm, … Do nhu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là những năm tháng khai hoang khẩn đất, xây dựng làng, xã chống chọi với thiên tai, thú giữ và mọi kẻ thù do đó, nghề rèn Hiền Lương dần dần được phát triển. Lợi ích của nghề rèn đang mang lại cuộc sống cho người dân khá giả hơn, phục vụ cho nhân dân trong vùng. Từ đây, làng Hiền Lương bắt đầu được mọi người dân trong vùng biết đến với tư cách là một ngôi làng cổ có nghề rèn nổi tiếng của xứ Thuận Hóa… Cũng chính vì vậy, từ ngôi làng này người Hiền Lương đã đem nghề rèn đến với nhiều làng quê khác trong vùng, lan tỏa đến các tỉnh phía Nam.

Kế tục truyền thống quê hương, thời cận đại nghề rèn làng Hiền Lương cũng đã xuất hiện nhiều tên tuổi nổi tiếng như các vị: Dương Phước Thiệu, người rất giỏi về kỹ thuật rèn, tiện, nguội,…chuyên sửa chữa các loại súng đạn, máy móc của Pháp chế tạo; Trương Quang Sừng người được xem là thợ cơ khí bậc cao hiếm có, một vị thầy dạy nghề rất mực được quý trọng ở trường kỹ nghệ dưới thời vua Thành Thái và đã góp công đào tạo nên một thế hệ người tài trong lĩnh vực cơ khí, gò, rèn, tiện, nguội, phay, bào; Hoàng Như Nghi người có công sáng chế ra loại máy dẫn thủy nhập điện dưới thời Bảo Đại; Huỳnh Kim Khoái nghệ nhân được nhà nước vinh danh bàn tay vàng nổi tiếng của những năm cuối thế kỷ XX và còn nhiều người khác nữa từng làm nên những kỳ tích cơ khí như tham gia sửa lại cầu Trường Tiền, cầu Giã Viên,…

Từ năm 1988 cho đến nay, nghề rèn Hiền Lương dần dần mai một do thế hệ con cháu sau này đã chuyển sang nghề cơ kim khí. Tuy nhiên, nghề rèn làng Hiền Lương vẫn còn đó những giá trị tinh hoa của nghề rèn “một nghề trên cả mọi nghề” mọi nghề không thể thiếu nghề rèn làm nền tảng. Các sản phẩm của nghề rèn làng Hiền Lương chủ yếu là lưỡi cày, lưỡi cuốc, liềm, phạng, rựa, vằng, thuổng, dao phay, giáo mác, dao cau, kéo, búa gò, lưỡi bào, đục, bay, đinh, kềm, kiếng bếp, xẻng, khâu liêm,…

Sản phẩm của nghề Rèn ở làng Hiền Lương

 

Năm 2012, nghề rèn Hiền Lương đã được trưng bày sản phẩm làng rèn tại Festival làng nghề truyền thống Huế. Đặc biệt, con em trong làng có ông Trương Văn Thêm được UBND huyện Phong Điền chứng nhận sản phẩm búa gò, liềm, rựa được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2013; Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã tặng Bằng Vinh danh làng nghề tiêu biểu Việt Nam vào ngày 26/10/2013.

Có thể nói, làng nghề truyền thống Hiền Lương đã sinh ra không biết bao nhiêu bậc tiền bối, trải qua hàng trăm năm cứ thế mà nối tiếp nhau đời này qua đời nọ, nghề rèn làng Hiền Lương đã hình thành và phát triển gần 600 năm, hiện nay số lò rèn còn lại ở làng gồm có 02 lò; số hộ làm nghề “cơ kim khí” là 73 hộ trên tổng số 240 hộ, chiếm tỷ 30,41% tổng số hộ dân trong làng và có khoảng 86 lao động trong độ tuổi tham gia làm nghề “cơ kim khí” đi làm ăn trên mọi miền Tổ quốc, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân tại làng.

Ngày nay, để lưu truyền và phát huy làng giá trị của nghề rèn Hiền Lương, chính quyền địa phương đã và đang tiến hành những giải pháp như quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các thông tin đại chúng, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm, thương mại trong các dịp lễ, tết; tạo cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho những người làm thợ; kết nối tour; đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã,…nhằm nâng cao giá trị của làng nghề ra các địa phương khác cũng như nước ngoài.

 

Với việc được công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu; đồng thời bảo tồn và phát triển làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước tạo ra sản phẩm có chất lượng, đa dạng mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu thị trường, đưa nghề truyền thống ngày càng phát triển và nơi đây có thể sẽ trở thành một điểm du lịch mang đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương.

Du khách đang chiêm ngưỡng các sản phẩm từ nghề Rèn

 

Nghệ nhân với nghề Rèn

 

Văn Ngọc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 108.933
Truy cập hiện tại 34