Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Triển khai thực hiện sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn xã Phong Hiền
Ngày cập nhật 10/10/2016

Ngày 04  tháng 10 năm 2016 UBND xã Phong Hiền ban hành kế hoạch triển khai sửa đổi, bỗ sung hương ước, quy ước thôn trên địa bàn xã cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đảm bảo hương ước của thôn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, sự phát triển của đời sống xã hội, yêu cầu quản lý của địa phương.

- Nội dung hương ước sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thôn; có tính khả thi, dễ thực hiện, tránh tình trạng rập khuôn các hương ước mẫu, sao chép máy móc hương ước giữa các thôn.

- Việc sửa đổi, bổ sung phải có tính thống nhất, đồng bộ về thể thức, bố cục, kỹ thuật trình bày, phù hợp với các quy định pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, huyện, xã.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa UBMTTQVN, chính quyền, các cấp ủy chi bộ thôn để thống nhất trong chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hương ước, đảm bảo bản dự thảo sửa đổi, bổ sung hương ước được thông qua lần cuối kết hợp trong tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân”, phấn đấu đến hết năm 2016, có 100% các thôn trên địa bàn xã được sửa đổi, bổ sung hương ước.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC HƯƠNG ƯỚC

1. Nội dung

Nội dung hương ước phải thiết thực, ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa- xã hội, phong tục tập quán địa phương và đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Tập hợp được nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân, chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn ở, đi lại; loại bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong cưới hỏi, việc tang, lễ hội, thờ phụng ở địa phương; khuyến khích những lễ nghi lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống làm lãng phí, tốn kém; phát triển các hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống, khuyến học trong cộng đồng dân cư; vận động thực hiện các chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình, xây dựng các gia đình theo tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Đề ra được các biện pháp nhằm bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, các nguồn nước, đê điều, hồ đập, kè cống, di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo; xây dựng và phát triển đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh. Nội dung hương ước phải gắn kết chặt chẽ với nội dung của phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Đề ra các biện pháp cụ thể đảm bảo trật tự, trị an trên địa bàn góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, trộm cắp, mại dâm và các hành vi khác vi phạm pháp luật. Phát động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác phòng gian, chấp hành nghiêm chỉnh về pháp luật tạm trú, tạm vắng; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Đề ra các biện pháp cần thiết hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên địa bàn, nâng cao hiệu quả “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Đề ra các hình thức thưởng, biện pháp phạt phù hợp để đảm bảo việc thực hiện hương ước:

- Hương ước quy định các hình thức thưởng đối với cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện hương ước như: Nêu gương người tốt, việc tốt, lập sổ vàng ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân; bình xét công nhận gia đình văn hóa và các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng tự thỏa thuận hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

- Đối với những gia đình, cá nhân vi phạm các quy định của hương ước thì chủ yếu áp dụng các biện pháp giáo dục, phê bình của tập thể, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định của hương ước thì trên cơ sở thảo luận thống nhất trong tập thể cộng đồng, có thể thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ trong phạm vi cộng đồng hoặc áp dụng các biện pháp phạt nhưng không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Trong hương ước không đặt ra các khoản phí, lệ phí.

Hương ước có thể đề ra các biện pháp nhằm giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã; giáo dục giúp đỡ người phạm tội sau khi ra tù trở thành những người lương thiện, có ích cho xã hội.

Các quy định cụ thể của hương ước cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong cộng đồng. Các biện pháp thưởng, phạt có thể quy định ngay tại các điều, khoản cụ thể.

2. Về thể thức và bố cục

a) Thể thức: Thống nhất tên gọi chung là hương ước

b) Bố cục: Gồm có các lời nói đầu và 5 chương

- Lời nói đầu: Nêu những truyền thống văn hóa của thôn và mục đích của việc xây dựng hương ước.

- Chương I: Là quy định chung, gồm các điều quy định phạm vi, đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện hương ước.

- Chương II: Xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hóa, gồm các mục và được cụ thể hóa thành các điều để nêu những nội dung về giữ gìn truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục; thực hiện chính sách văn hóa- giáo dục; dân số, gia đình, trẻ em; về xây dựng gia đình, cộng đồng.

- Chương III: Quản lý đời sống và xây dựng kinh tế; gồm các điều quy định về bảo vệ tài sản, môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới.

- Chương IV: An ninh- trật tự; gồm các điều quy định về phòng chống tai tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh thôn xóm; quản lý hộ khẩu hộ tịch nhằm hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên địa bàn.

- Chương V: Tổ chức thực hiện; gồm các điều quy định khen thưởng, xử lý vi phạm và hiệu lực thi hành.

III. TRÌNH TỰ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VÀ PHÊ DUYỆT HƯƠNG ƯỚC

1. Thủ tục sửa đổi, bổ sung

Sửa đổi, bổ sung hương ước phải đảm bảo dân chủ, công khai, phù hợp với các quy định hiện hành, được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1. Thành lập nhóm soạn thảo sửa đổi, bổ sung hương ước

Trưởng thôn báo cáo cấp ủy chi bộ (Bí thư chi bộ), đồng thời chủ trì phối hợp với Trưởng ban công tác mặt trận thôn và các đoàn thể tổ chức hội nghị mời chi bộ tham dự, cùng thống nhất nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung. Hương ước sửa đổi cần đề ra những quy định ngắn gọn, đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội, không sa vào kể lể, không phân tích, bình luận không đúng trọng tâm; kế thừa những nội dung hương ước đã và đang thực hiện nhưng phải loại bỏ, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; bổ sung những quy định mới, phải đảm bảo thể thức, bố cục theo quy định.

Lưu ý: Thành phần Nhóm soạn thảo sửa đổi, bổ sung hương ước có thể mời thêm Ngài hội chủ của làng, Trưởng các họ tộc, các ngài trùm xóm, các bậc cao niên bô lão tham gia vì các thành phần này luôn được mọi người trong cộng đồng tôn trọng, cung kính, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sửa đổi, bổ sung hương ước của thôn.

Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị cấp xã vào dự thảo hương ước

Trưởng thôn phối hợp với Trưởng ban công tác mặt trận tổ chức hội nghị đại diện hộ gia đình thôn, mời các thành phần trong nhóm soạn thảo cùng tham dự. Hội nghị được tiến hành khi có 2/3 đại diện hộ gia đình tham dự, đồng chí trưởng thôn trình bày bản dự thảo sửa đổi, bổ sung hương ước lần 1 để các thành phần tham gia ý kiến vào bản dự thảo. Kết thúc hội nghị, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham gia, đối chiếu với quy định pháp luật và truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, quy định riêng của từng địa phương, đồng chí trưởng thôn kết luận và chịu trách nhiệm chỉnh sửa nội dung trước khi gửi bản dự thảo xin ý kiến tham gia của UBND xã và các tổ chức chính trị xã hội cấp xã.

Sau khi nhận được bản dự thảo sửa đổi, bổ sung hương ước lần 1 của các thôn, UBND xã và các tổ chức chính trị xã hội cấp xã tham gia ý kiến. Việc đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo hương ước, có thể tổ chức các hình thức phù hợp như tổ chức hội nghị, tham gia trực tiếp vào bản dự thảo.

Bước 3. Thảo luận và thông qua hương ước

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp qua các hội nghị ở trên, nhóm soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và gửi các thành viên sẽ được dự kiến mời tham gia hội nghị để thảo luận và thông qua hương ước. Dự thảo hương ước phải được thảo luận kỹ, thực sự dân chủ và thông qua tại hội nghị cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình ở thôn (Nên kết hợp trong Hội nghị “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư”). Hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành phần cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình tham dự. Hương ước được thông qua khi có ít nhất quá 1/2 số người dự họp tán thành. Trưởng thôn phối hợp với Ban công tác mặt trận chủ trì hội nghị. Hội nghị quyết định hình thức biểu quyết thông qua bằng cách giơ tay biểu quyết trực tiếp hoặc bỏ phiếu.

Bước 4. Sau khi hương ước được thông qua ở thôn, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBMTTQVN xã xem xét nội dung của hương ước, đảm bảo phù hợp với pháp luật trước khi trình chủ tịch UBND huyện phê duyệt.

Dự thảo hương ước chính thức trình phê duyệt phải có chữ ký của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận, kèm theo biên bản thông qua tại hội nghị.

2. Phê duyệt hương ước

a) Hồ sơ phê duyệt gồm:

- Bản dự thảo hương ước đã được thông qua có chữ ký của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận thôn;

- Biên bản hội nghị của thôn;

- Tờ trình đề nghị phê duyệt hương ước của UBND xã.

Lưu ý: Để đảm bảo tính đồng bộ, bản dự thảo hương ước của các thôn phải được đánh máy vi tính trên khổ giấy A4; đóng bìa ngoài và in thành 01 bộ gửi UBND huyện thẩm định, phê duyệt. Trường hợp hương ước không được phê duyệt thì các phòng chuyên môn cấp huyện gồm Phòng Tư pháp và Phòng VHTT huyện hướng dẫn để chỉnh lý, hoàn thiện hương ước để trình lại. Bản hương ước sau khi được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt sẽ được in thành 03 bộ (Lưu ở thôn, UBND xã và UBND huyện)

b) Nơi nhận: Các thôn nộp lên UBND xã qua bộ phận VHXH ( Đ/c Văn Ngọc Khánh- Công chức VHXH xã) để UBND xã tiến hành các bước theo quy trình.

c) Thời gian thực hiện:

- Trước ngày 10/10/2016: UBND xã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch về sửa đổi, bổ sung hương ước các thôn trên địa bàn xã, thành lập Đoàn công tác.

- Trước ngày 16/10/2016: UBND xã thành lập các Đoàn làm việc với các thôn để đánh giá tình hình thực tế thực hiện hương ước, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các thôn triển khai thực hiện kế hoạch của UBND xã về sửa đổi, bổ sung hương ước các thôn.

- Trước ngày 22/10/2016: Nhóm soạn thảo của các thôn hoàn thành bản dự thảo hương ước  lần 1 trước khi tổ chức hội nghị cử tri hoặc hội nghị đại biểu hộ gia đình của thôn, nộp kết quả lên UBND xã.

- Trước ngày 30/10/2016: UBND xã và các tổ chức chính trị xã hội hoàn thành việc tham gia ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi, bổ sung hương ước lần 1 của các thôn.

- Từ ngày 11 đến ngày 18/11/2016: Các thôn tổ chức hội nghị cử tri hoặc hội nghị đại biểu hộ gia đình của thôn để thông qua bản Dự thảo hương ước lần cuối (Kết hợp trong Hội nghị “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở các khu dân cư”).

- Trước ngày 22/11/2016: Các thôn hoàn chỉnh bản dự thảo và gửi về UBND xã.

- Trước ngày 25/11/2016: UBND xã tổ chức hội nghị mời Đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy- TT. HĐND- UBND- Ban TT. UBMTTQVN xã và các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã tham gia ý kiến vào các bản dự thảo lần cuối của các thôn.

- Trước ngày 28/11/2016: Trên cơ sở ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân tại hội nghị ở cấp xã, đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, sự thống nhất của Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch UBMTTQVN xã. UBND xã lập Tờ trình và kèm các hồ sơ liên quan báo cáo Chủ tịch UBND huyện xem xét, phê duyệt (Hồ sơ UBND xã gửi qua Phòng Tư pháp huyện).

Lưu ý: Việc sửa đổi, bổ sung hương ước được tiến hành với các thôn không sáp nhập; đối với các thôn được sáp nhập thì tiến hành xây dựng hương ước mới trên cơ sở tổng hợp, kế thừa những nội dung trong các bản hương ước của các thôn cũ nhưng phải loại bỏ, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; bổ sung những quy định mới, phải đảm bảo thể thức, bố cục theo quy định chung. Các bước tiến hành thực hiện tương tự như việc sửa đổi, bổ sung hương ước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân xã (bộ phận VHXH xã): hội ý thống nhất với Ban Thường trực UBMTTQVN xã về thành phần tham gia các Đoàn công tác của xã, lịch làm việc, thành phần tham dự buổi làm việc tại các thôn về đánh giá tình hình thực tế việc thực hiện hiện hương ước ở các thôn, triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung hương ước các thôn trên địa bàn xã.

Công chức tư pháp- hộ tịch phối hợp với Công chức VHXH: tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch về triển khai việc sửa đổi, bổ sung hương ước các thôn. Đồng thời có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND xã xem xét nội dung bản dự thảo về lĩnh vực chuyên môn phụ trách, cụ thể: Công chức Tư pháp- hộ tịch tham mưu các nội dung hương ước đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành; Công chức VHXH tham mưu các nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thông tin đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy tắc xây dựng nếp sống văn hóa trước khi trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt.

          Đài truyền thanh xã: có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về mục đích, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung hương ước thôn để nhân dân hiểu và tích cực tham gia vào việc xây dựng và thực hiện hương ước tại địa phương.

          Các thôn có trách nhiệm: báo cáo tình hình thực tế thực hiện hương ước, phối hợp với các thành viên Đoàn công tác của xã triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung hương ước, xin ý kiến cấp ủy chi bộ và Đoàn công tác để định hướng các nội dung chính cần sửa đổi, bổ sung trong bản hương ước. Triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo đồng bộ, đúng thời gian quy định. Sau khi hương ước được phê duyệt Trưởng thôn có trách nhiệm niêm yết, tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ gia đình, thành viên trong cộng đồng dân cư để tổ chức thực hiện hương ước. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đốc thúc thực hiện hương ước, phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, tiêu cực trong việc xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn.

Bộ phận tài chính- kế toán xã: Tham mưu UBND xã đảm bảo kinh phí cho việc sửa đổi, bổ sung hương ước tại địa phương theo quy định hiện hành. Trong đó chú ý tham mưu kinh phí tổ chức các hội nghị, kinh phí phê duyệt sửa đổi, bổ sung hương ước.

          Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã: Tăng cường phối hợp với UBND xã (Bộ phận VHXH) nhằm kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các thôn thực hiện. Chỉ đạo ban công tác Mặt trận các thôn phối hợp với trưởng thôn và các tổ trong hệ thống chính trị thôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung hương ước theo quy định. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào việc xây dựng và thực hiện hương ước ở địa phương.

Tập tin đính kèm:
Văn Ngọc Khánh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 108.933
Truy cập hiện tại 180