I. Về làng Hiền Lương:
Làng Hiền Lương xưa kia có tên là Hoa Lang, là một trong 59 ngôi làng cổ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, được hình thành khá sớm vào năm 1445 dưới triều vua Lê Nhân Tông, cách nay cũng đã gần 6 thế kỷ. Làng đứng chân về phía bắc bên dòng sông Bồ, lấy núi Ba Trục làm án, phía sau là rú Cổ Tháp làm hậu chẩm, tả hữu đồng ruộng cấy lúa hai mùa. Trải qua bao tháng năm, ngôi làng ngày một phát triển, dân cư đông đúc; làng tổ chức qui hoạch thôn trang, mở đường mở kiệt, dựng đình lập chùa, xếp đặt lễ nghi, phong tục tập quán trở nên thuần hậu, sầm uất một vùng. Mãi đến đầu năm 1841, do tên làng trùng với tên húy bà Thái hậu Hồ Thị Hoa, mẹ của vua Thiệu Trị, nên triều đình cho đổi tên thành làng Hiền Lương – nay thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhớ buổi đầu di dân vào đây khai sơn phá thạch, cày ruộng để ăn, đào giếng để uống, dân làng chỉ sống bằng nghề nông. Đến đầu thế kỷ 17, hội đồng hương tộc của làng chấp thuận cho nhập thêm một nhóm dân cư mới, gọi là hậu tập. Trong nhóm hậu tập ấy có một vị biết làm nghề rèn, ông chuyên rèn các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do nhu cầu đòi hỏi của xã hội nông nghiệp bấy giờ, đặc biệt là những năm tháng khai hoang khẩn đất, xây dựng làng xã, chống chọi với tai ương chướng khí, thú dữ và mọi kẻ thù, nghề rèn ở Hiền Lương dần dần phát triển. Quả nhiên đúng như câu nói: “Ruộng đất bề bề không bằng có nghề trong tay”. Thấy được ích lợi của nghề rèn, thuở ấy cứ vào buổi nông nhàn, người trong làng theo học nghề rèn rất đông. Từ đấy, làng Hiền Lương bắt đầu được mọi người trong vùng biết đến với tư cách là một ngôi làng cổ có nghề rèn nổi tiếng của xứ Thuận Hóa…Cũng chính vì vậy, từ ngôi làng này, người Hiền Lương đã đem nghề rèn đến với nhiều làng quê khác trong vùng, lần hồi vào đến các tỉnh phía Nam.
Khởi đầu là một làng quê nghèo chuyên nghề nông, chẳng bao lâu dân Hiền Lương đã trở nên giàu có, đem cái nghề rèn đóng góp nhiều ích lợi cho việc xây dựng, bảo vệ bờ cõi, phát triển đất nước chính bằng nghề rèn của mình. Bởi vậy mà làng Hiền Lương còn được gọi với cái tên thân thương Làng Rèn.
II. Về Ngôi Tổ Đình Nghề Rèn:
Nhớ ơn vị Tổ sư đã dày công truyền dạy nghề Rèn cho dân làng, vào cuối thế kỷ 18, dân làng đã thiết lập một ngôi nhà tranh nằm về phía bắc xóm Phước Tự, rước thần chủ vị Tổ Sư Nghề Rèn vào thờ, sau này ngôi nhà tranh ấy đã trở thành Tổ Đình Nghề Rèn Hiền Lương. Trải qua năm tháng, trên nền cũ xưa, nhà thờ Tổ Nghề Rèn cũng đã nhiều lần được dân làng xây dựng lại, từ nhà tranh thành nhà ngói. Kiến trúc theo kiểu truyền thống, một gian hai chái, chung quanh xây la thành bao bọc, trước dựng trụ biểu tạc câu đối tôn vinh, xây bình phong chắn chướng khí, đào hồ chữ nhật để thả cá, vừa trồng sen làm mát mùa hạ, vừa lấy nước phòng hỏa khi cần.
Ở nội điện Tổ Đình, chính giữa thờ vị Tổ Sư Nghề Rèn, văn tế hàng năm linh bái ngài Tây Nhạc Kim Thiên Thuận Đế, về sau triều Nguyễn lại gia phong Thái Lợi Chi Thần, cùng phối thờ liệt vị tiên sư.
Một số hình ảnh và sản phẩm nghề rèn làng Hiền Lương: