Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Hue-S: Nhiều lợi ích mang lại thiết thực cho người dân từ ứng dụng chuyển đổi số
Ngày cập nhật 24/08/2022
Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay Hue-S đã có gần 800.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 35 phút mỗi người/một ngày; tính riêng năm 2021, đã có hơn 17.400.000 lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 Tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào Hue-S.
Hue-S đã cho thấy những tiện ích thiết thực trong đời sống
Hue-S đã cho thấy những tiện ích thiết thực trong đời sống
 
 

Phát triển hạ tầng số cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S là kết quả nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số.

Cụ thể, điểm qua một số tiện ích từ ứng dụng Hue-S, nổi bật nhất có thể nói đến là dịch vụ Phản ánh hiện trường. Đến nay đã tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống. Số phản ánh đã được xử lý chiếm hơn 97% với tỷ lệ hài lòng và chấp nhận chiếm hơn 80%. Thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng tiền in giấy tờ, văn bản.

Về dịch vụ công, với quy trình đặc thù là số hóa 100% hồ sơ của công dân, doanh nghiệp ngay từ khâu tiếp nhận, công tác xử lý dịch vụ công của các cấp các ngành đã xử lý 100% trên môi trường mạng. Đến nay100% dịch vụ công đủ điều kiện đảm bảo đều trực tuyến lên mức độ 4.

Về công tác bảo vệ môi trường, đến nay, thông qua nền tảng Hue-S đã tiếp nhận hơn 4.000 phản ánh vi phạm liên quan đến môi trường, đã tiến hành xử phạt số tiền gần 400.000.000 đồng, qua đó đã có góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Hue-S cũng đã phát hiện và cảnh báo hơn 1.300 trường hợp cảnh báo cháy, phát hiện hơn 60 vụ cháy rừng và 235 vụ đốt rơm rạ giúp cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

 

Giám đốc IOC Huế Bùi Hoàng Minh giới thiệu các ứng dụng Hue -S cho các đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm

Là một trong những địa phương thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, bão lụt, đặc biệt là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, Hue-S là kênh thông tin giúp người dân nhận các cảnh báo và theo dõi diễn biến tình hình thiên tai, bão lụt, tình trạng ngập lụt qua hệ thống camera. Cụ thể, nền tảng Hue-S đã phát đi hơn 1.800 cảnh báo về thời tiết, thiên tai, bão lụt. Đặc biệt, trong mùa bão lụt năm 2020 đường dây nóng đã tiếp nhận hơn 1.900 cuộc gọi đến, thực hiện 488 cuộc gọi trực tiếp đến người dân cần hỗ trợ; chuyển cơ quan chức năng cứu nạn kịp thời hàng trăm trường hợp người dân ở vùng ngập sâu cần di dời khẩn cấp.

Bên cạnh kênh phản ánh hiện trường, kết nối giữa người dân với chính quyền các cấp, các cơ quan, ban ngành trong việc tiếp nhận xử lý kiến nghị, đề xuất; ứng dụng này cũng là công cụ hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong năm 2021, Hue-S đã triển khai cấp phát hơn 1,2 triệu Thẻ kiểm soát dịch bệnh. Mục đích của Thẻ nhằm giúp người dân chủ động phòng, chống dịch, giúp các cơ quan chức năng truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch. Thừa Thiên-Huế được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai giải pháp này. Trong giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp, Hue-S đã tiếp nhận hơn 30.000 hồ sơ đăng ký trực tuyến, đã tiến hành nghiệp vụ xác minh, đón gần 3.000 trường hợp là người cao tuổi, phụ nữ mang thai và các trường hợp yếu thế khác đang mắc kẹt tại các tỉnh, thành phía Nam trở về quê.

Ngoài những chức năng trên, Hue-S còn tích hợp Hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế triển khai; Xây dựng mô hình Học bạ điện tử; Triển khai mô hình khám phá Huế 3D và bước đầu hình thành mô hình du lịch thực tế ảo tại một số điểm di tích.

Có thể nói rằng Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã hiện diện ngày càng nhiều hơn, rõ hơn thông qua sự tham gia phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Cách thức tiếp nhận, xử lý các vấn đề của cơ quan nhà nước hoàn toàn thay đổi thông qua quy trình số đã khắc phục hạn chế những bất cập tồn tại trước đây. Đặc biệt, ngoài cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp như Điện lực, Nhà máy nước, Ngân hàng... cũng đã tham gia vào hệ thống để cùng chung tay xử lý các vấn đề bất cập phát sinh trong hoạt động đời sống xã hội qua đó đưa Hue-S dần dần trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Hue-S là một nền tảng xã hội số

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai hệ thống Hue-S, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, Hue-S là một nền tảng xã hội số, là điển hình trong việc xây dựng chính quyền thân thiện, hiện đại, vì nhân dân phục vụ. Thông qua Hue-S, khi đã xây dựng được lòng tin của người dân, không chỉ những vấn đề tồn tại trong xã hội được giải quyết một cách rốt ráo mà còn nhận được sự chia sẻ, thông cảm của người dân đối với các vấn đề bất cập trong xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, Hue-S phải hướng đến để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, là thước đo năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị; đưa kết quả giải quyết và mức độ hài lòng của người dân trong quá trình xử lý phản ánh hiện trường vào đánh giá năng lực điều hành của các cơ quan, đơn vị. Phải xây dựng Hue-S hướng đến là nền tảng xã hội của tỉnh nhà, nói đến Hue-S là mọi người dân đều biết đến Huế và là niềm tự hào của Huế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong thời gian tới, Tỉnh sẽ tăng cường các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh. Tổ chức đánh giá, chuẩn hóa lại quy trình số trong vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, trong đó chú trọng đến kỹ năng số cho công chức, viên chức, lực lượng trực tiếp tương tác trên các dịch vụ thông minh kết nối người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số hướng đến xây dựng chính quyền số, chú trọng tăng cường mạnh công tác tích hợp ứng dụng, dịch vụ số của nhà nước lên Hue-S. Đồng thời tham mưu, phối hợp các giải pháp sớm nâng cấp hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh. Trọng tâm là phát triển hạ tầng số cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

www.thuathienhue.gov.vn
Ngọc Khánh
Tin cùng nhóm
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 123.000
Truy cập hiện tại 1.490